Lược sử thay đổi hành chính Hải Phương

Vào khoảng năm 1485-1486, bốn ông Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia và Phạm Cập, tục gọi là Tứ Tổ Quần Anh (tức là 4 vị tổ của vùng đất Quần Anh), mang con cháu xuống vùng đất phù sa sông Hồng thuộc huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường khai khẩn vùng bãi bồi Lạch Lác. Ban đầu, dân cư lập nên ấp Phú Cường (nay thuộc xã Hải Trung), sau mở thêm ấp Quần Cường.

Tứ Tổ chia Quần Cường Ấp làm "Nội thập giáp, Ngoại tứ thôn". Nội Thập giáp được chia như sau: "Lấy sông Trung Giang (Sông Giữa)[1] làm trục. Đất hai bờ Nam và Bắc sông Giữa giáp với sông Múc cầu Đông là Giáp Nhất chuyển dần về phía tây là Giáp Nhì, Giáp Tam, Giáp Tứ, Giáp Ngũ, Giáp Lục, Giáp Thất, Giáp Bát, Giáp Cửu, Giáp Thập (Cầu Ngói). Bao quanh 10 Giáp là 4 thôn: Đông Cường, Tây Cường còn gọi là An Cường, Trung Cường, Bắc Cường".

Sau đó 9 họ: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ, Trần, Vũ tiếp tục xuống cùng khai khẩn vùng đất này.

"Tứ tổ khai cơ, lập cồn ấpChín họ bao đê dựng xóm làng".

Đến năm 1511, triều đình phân định hành chính, vùng đất Quần Cường được đặt làm xã Quần Anh, thuộc tổng Thần Lộ, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam.

Đất Quần Anh phát triển, đất 4 thôn được chia tách để hình thành thêm một số xã thôn mới. Chính tại vùng này, lịch sử cũng ghi nhận các nhà truyền giáo phương Tây đã lần đầu tiên đến truyền đạo:

"Gia tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô."
— "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục Chính Biên", Quyển 33

Tháng 1 năm 1804, vua Gia Long chuẩn y chia xã Quần Anh thành ba xã: Quần Anh Thượng, Quần Anh Trung, Quần Anh Hạ, hợp với xã Kim Đê, hình thành tổng Kim Giả, huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam Hạ. Xã Hải Phương ngày nay thuộc Quần Anh Hạ.

Năm 1822, trấn Sơn Nam Hạ đổi tên thành trấn Nam Định, sau thành tỉnh Nam Định. Năm 1827, tách tổng Kim Giả để thành lập tổng Quần Anh, gồm các xã Quần Anh Thượng, Quần Anh Trung, Quần Anh Hạ, Kim Đê, Ninh Cường; Phường Lác Môn, Lác Môn Trại, Tân Lác Lý.

Năm 1862, vì kiêng tên húy Triệu Tổ nhà họ Nguyễn là Nguyễn Kim, xã Kim Đê đổi làm Phương Đê, Kim Anh đổi làm Quỳnh Anh. Đến năm 1887, kiêng miếu hiệu vua Tự Đức là Dực Anh, tổng Quần Anh đổi thành tổng Quần Phương, ba xã Quần Anh Thượng, Quần Anh Trung, Quần Anh Hạ đổi làm Quần Phương Thượng, Quần Phương Trung, Quần Phương Hạ, hai lý Quỳnh Anh, Lục Anh đổi làm Quỳnh Phương, Lục Phương.[2]

Theo Quyết định của Nha kinh lược Bắc Kỳ, ngày 27 tháng 12 năm 1888, huyện Hải Hậu được thành lập gồm 4 tổng Quần Anh, Kiên Trung, Ninh Nhất, Tân Khai, thuộc phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Huyện lỵ đặt tại xóm Đào Mãn, thôn Đông Cường, xã Quần Phương Hạ, tổng Quần Phương (nay thuộc xã Hải Phương).

Năm 1889, chính quyền Nam triều cắt phía Nam các xã Quần Phương Thượng, Quần Phương Trung, Quần Phương Hạ mỗi xã 100 mẫu ruộng và 100 chính đinh lập thành 3 trại Quần Phương Thượng Trại, Quần Phương Trung Trại, Quần Phương Hạ Trại. Các trại này đến năm 1890 hợp với xã Phú Lễ; 2 lý Lục Phương và Quỳnh Phương; và một số một số xã, thôn mới khai khẩn, tách ra, lập thành tổng Ninh Mỹ.

Năm 1898, xã Quần Phương Hạ tách lập Hạ xã Nam Thôn.

Năm 1948, xã Quần Phương Hạ sáp nhập với xã Nam Thôn thành xã Quần Phương. Ngày 23 tháng 2 năm 1952, xã Quần Phương được tách thành 2 xã: Quần Phương và Tân Anh. Đến ngày 20 tháng 9 năm 1952, xã Quần Phương đổi tên thành xã Hải Phương, còn xã Tân Anh đổi tên thành xã Hải Tân.

Tháng 2 năm 1956, xã Hải Phương chia thành 2 xã: Hải Phương và Hải Bắc.

Năm 1986, Thị trấn Yên Định được thành lập. Xã Hải Phương cắt chuyển về thị trấn 112,6ha đất và dân cư lập thành 3 tổ dân phố 4, 6, 7 của thị trấn.[cần dẫn nguồn]